Ý nghĩa các loại vạch kẻ đường & mức phạt lỗi đè vạch, lấn làn: vạch trắng, vạch vàng, liền hay đứt?
Vạch kẻ đường là loại báo hiệu thông dụng và cơ bản nhất khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ ý nghĩa của các loại vạch kẻ đường khác nhau dẫn đến nhẹ thì mất tiền phạt, nặng thì gây ra những tai nạn đáng tiếc.
Trong bài viết này, danhgiaXe sẽ giúp độc giả phân biệt các loại vạch kẻ thường gặp nhất cũng như mức phạt đối với những lỗi liên quan đến làn đường và vạch kẻ đường.
Cơ bản về ý nghĩa của màu sắc và nét vẽ trên vạch kẻ đường
Theo Phụ lục G của bộ Quy chuẩn 41:2016/BGTVT, vạch kẻ đường thường gặp là loại vạch dùng để quy định các phần đường khác nhau, thường có màu trắng hoặc màu vàng.
Trong đó, vạch vàng được dùng để phân chia hai chiều xe chạy ngược nhau. Ngược lại, vạch trắng được sử dụng để phân chia các làn xe cùng chiều trên những con đường có nhiều làn.
Về nét vẽ của vạch kẻ đường, có thể hiểu đơn giản: nét liền không cho phép đè vạch và ngược lại, nét đứt cho phép các phương tiện được đè vạch, chuyển làn và lấn làn trong các trường hợp cụ thể và phải có đèn tín hiệu báo rẽ.
Các loại vạch kẻ đường thường gặp
1. Vạch trắng nét đứt
Là vạch phân chia các làn xe cùng chiều có dạng vạch đơn, màu trắng, đứt nét. Khi thấy vạch này, các xe được chuyển làn đường qua vạch (được đi sang làn xe bên cạnh).
Tốc độ các loại xe được phép lưu thông càng cao, khoảng cách giữa các nét đứt càng dài.
2. Vạch trắng nét liền
Có dạng vạch kẻ đơn, màu trắng, nét liền cũng dùng để phân chia các làn xe cùng chiều. Tuy nhiên xe không được phép chuyển làn hoặc sử dụng làn xe khác, không được lấn sang làn xe bên cạnh hay đè lên vạch kẻ đường.
3. Vạch vàng nét đứt
Là loại vạch đơn, đứt nét, màu vàng (hay còn gọi là vạch 1.1) dùng để phân chia hai chiều xe ngược nhau ở đoạn đường có từ 2 làn xe trở lên và không có dải phân cách. Xe được phép cắt qua để đi ở làn ngược chiều từ cả 2 phía.
4. Vạch vàng nét liền
Là loại vạch đơn, liền nét, màu vàng (hay còn gọi là vạch 1.2) dùng để phân chia hai chiều xe chạy ngược nhau cho đường có 2 hoặc 3 làn xe và không có dải phân cách ở giữa.
Khác với vạch kẻ vàng nét đứt, ở những đoạn đường có vạch liền màu vàng, xe không được lấn làn, không được đè vạch. Vạch này thường thấy ở những đoạn đường không đảm bảo tầm nhìn vượt xe, nguy cơ tai nạn giao thông đối đầu lớn.
Trước đây, các vạch kẻ phân biệt hai chiều xe chạy vẫn được sơn trắng, dễ gây nhầm lẫn với các vạch kẻ trong cùng một chiều xe chạy. Do đó, hiện nay nhiều địa phương, thành phố đang đồng loạt thay đổi vạch kẻ đường từ trắng sang vàng ở nhiều con đường để dần đồng bộ với Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc Gia về báo hiệu đường bộ.
5. Hai vạch vàng song song
Cũng có tác dụng phân chia hai chiều xe chạy, tuy nhiên loại vạch này dùng ở những có từ 4 làn xe trở lên và không có dải phân cách ở giữa. Loại vạch này có hai biến thể chính là hai vạch liền song song và một vạch liền – một vạch đứt nét.
Với dạng hai vạch liền song song, các phương tiện không được lấn làn hay đè lên vạch. Loại vạch này thường sử dụng ở những đoạn đường không đảm bảo tầm nhìn ở phía đối diện như đường đèo dốc quanh co, có thể xảy ra tai nạn đối đầu.
Với dạng thứ hai – một vạch liền một vạch đứt nét sẽ cho phép các phương tiện ở bên phải phần đứt nét được phép vượt và lấn làn khi cần thiết. Các phương tiện ở phía còn lại không được vượt hay lấn làn.
Đặc biệt, trường hợp có 2 hoặc 3 làn xe, không có dải phân cách giữa có thể sử dụng vạch kẻ màu vàng song song để nhấn mạnh mức độ nguy hiểm, không được lấn làn, đè lên vạch. Khi đó vạch này có tác dụng như vạch màu vàng nét liền nêu trên.
6. Vạch làn đường ưu tiên
Vạch giới hạn làn đường dành riêng hoặc làn đường ưu tiên gồm 2 loại:
– Vạch trắng nét liền: dành riêng cho một loại xe nhất định, các loại xe khác không được đi vào làn xe này;
– Vạch trắng nét đứt: dành riêng cho một loại xe nhất định nhưng các xe khác có thể sử dụng làn đường này và phải nhường đường cho xe được ưu tiên.
Đặc biệt, xe trên làn đường dành riêng hoặc ưu tiên có thể cắt qua vạch này khi làn đường bên cạnh không cấm sử dụng loại xe này.
7. Các dạng ký hiệu và vạch kẻ khác
Vạch kẻ đường hình thoi
Đây là vạch kẻ báo hiệu sắp đến nơi có vạch đi bộ qua đường: theo quy chuẩn 41 về báo hiệu đường bộ, đây là vạch 7.6: chỉ dẫn sắp đến chỗ có bố trí vạch đi bộ qua đường. Đặc biệt, đối với các chỗ bố trí vạch đi bộ qua đường ở giữa đoạn đường nối hai nút để cảnh báo người lái xe phải nhường đường cho người đi bộ qua đường.
Vạch xương cá chữ V
Theo quy chuẩn 41/2016, đây là loại vạch kênh hóa dòng xe, tức dùng để chia dòng phương tiện thành hai hướng đi, ví dụ một hướng lên cầu vượt, một hướng đi phía dưới cầu vượt. Các phương tiện không được phép đi vào vùng vạch này.
Vạch mắt võng tại ngã tư
Đây là loại vạch mắt võng màu trắng không có trong quy chuẩn 41 nên không có hiệu lực về luật. Tuy nhiên trên thực tế, loại vạch này chỉ mang tính chất hình ảnh, giúp người tham gia giao thông phân biệt rõ hơn, vì đi cùng nó là mũi tên chỉ phần đường rẽ phải.
Nếu xe chạy vào phần đường này nhưng lại đi thẳng thì sẽ bị xử phạt lỗi “không tuân thủ hiệu lệnh của biển báo, vạch kẻ đường”. Chi tiết hơn về các loại lỗi này sẽ được đề cập ngay bên dưới.
Các lỗi thường gặp liên quan đến vạch kẻ đường và mức phạt
Hai loại lỗi chính liên quan đến các quy định về vạch kẻ đường là lỗi sai làn đường và lỗi không tuân thủ vạch kẻ đường. Đây cũng là hai loại lỗi dễ bị nhầm lẫn với nhau khi tham gia giao thông.
Làn đường là gì? Thế nào là đi sai làn đường? Sai làn đường bị xử phạt ra sao?
Theo Điều 3 Quy chuẩn 41/2016/BGTVT quy định thì: làn đường là một phần của phần đường xe chạy được chia theo chiều dọc của đường, có đủ bề rộng cho xe chạy an toàn. Một phần đường xe chạy có thể có một hoặc nhiều làn đường.
Khi trên mặt đường phân chia thành nhiều làn được phân cách bằng vạch kẻ đường, mỗi làn chỉ cho 1 số loại phương tiện giao thông nhất định đi trên đó. Ví dụ: làn dành riêng cho ô tô con, làn dành riêng cho ô tô tải, làn dành riêng cho xe máy… Và điều quan trọng nhất là biển báo phân làn như các biển R.412
Như vậy, có thể hiểu một cách đơn giản, nếu người điều khiển phương tiện là xe ô tô đi vào làn đường dành cho xe mô tô, xe máy hoặc ngược lại, người điều khiển xe mô tô, xe máy đi vào làn đường dành cho xe ô tô thì mới được xác định là lỗi “sai làn đường”.
Về quy định xử phạt, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 30/12/2019 và chính thức áp dụng từ ngày 01/01/2020, người tham gia giao thông không đi đúng làn đường, phần đường của mình sẽ bị phạt:
– Đối với xe ô tô:
Phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng; tước Bằng lái xe từ 01 – 03 tháng (trước đây bị phạt từ 800.000 đồng – 1,2 triệu đồng và tước Bằng lái xe từ 01 – 03 tháng).
Trường hợp đi không đúng làn đường, phần đường gây tai nạn giao thông thì bị phạt tiền từ 10 – 12 triệu đồng; tước Bằng lái xe từ 02 – 04 tháng.
– Đối với xe máy:
Phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng (trước đây bị phạt từ 300.000 – 400.000 đồng).
Trường hợp đi không đúng làn đường, phần đường gây tai nạn giao thông thì bị phạt tiền từ 04 – 05 triệu đồng; tước Bằng lái xe từ 02 – 04 tháng.
Lỗi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường là gì? Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt như thế nào?
Vạch kẻ đường là một dạng báo hiệu, có thể dùng độc lập hoặc kết hợp với các loại biển báo, đèn tín hiệu để hướng dẫn, điều khiển giao thông nhằm nâng cao an toàn và khả năng lưu thông xe. Có nhiều cách phân loại vạch kẻ đường như dựa vào vị trí sử dụng (vạch trên mặt bằng và vạch đứng), dựa vào hình dáng, kiểu (vạch kẻ liền và vạch kẻ đứt khúc)…
Lỗi đi sai vạch kẻ đường hay chính xác là lỗi không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường. Lỗi này thường ở những nơi đường giao nhau có đặt biển báo hiệu “Hướng đi trên mỗi làn đường phải theo” kết hợp với vạch mũi tên chỉ hướng đi trên mặt đường.
Tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, lỗi không tuân thủ vạch kẻ đường, biển báo được quy định với tên gọi đầy đủ là “Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường”. Mức phạt được quy định rõ như sau:
– Đối với xe ô tô:
Mức phạt là khoảng 200.000 – 400.000 đồng (so với mức phạt trước đó là từ 100.000 – 200.000 đồng). Đồng thời sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng nếu gây tai nạn giao thông.
– Đối với xe máy:
Phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng (so với mức phạt trước đó là từ 60.000 – 80.000 đồng). Người điều khiển phương tiện sẽ nếu gây tai nạn giao thông bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Lưu ý, khi chuẩn bị tiến vào những đường có nhiều làn xe, người lái có thể quan sát bảng phân làn để biết phương nên đi theo làn nào. Cụ thể:
Nếu vạch kẻ phân cách các làn theo hướng đi là vạch liền, các phương tiện phải chuyển làn để di chuyển theo hướng định đi trước khi vào khu vực đó và không được đè vạch.
– Nếu vạch kẻ là vạch nét đứt, các phương tiện được chuyển sang các làn theo hướng di chuyển khác nhưng phải chuyển xong trước khi tới vạch dừng xe.
– Quy định về thứ tự ưu tiên chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ: đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường.
Hy vọng với những thông tin trong bài viết này, danhgiaXe đã mang đến cho độc giả những kiến thức hữu ích về các dạng vạch kẻ và ký hiệu trên đường. Từ đó, giúp việc tham gia giao thông được an toàn và hiệu quả hơn.