Đề xuất uống rượu, bia vượt ngưỡng mới bị phạt

Kinhtedothi – Mới đây, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được đưa ra Quốc hội thảo luận. Trong đó hành vi bị nghiêm cấm nhận được nhiều ý kiến góp ý liên quan việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Không nhất thiết có cồn là phạt

Tại Điều 8 dự thảo luật quy định 28 nhóm hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông, trong số này có “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối người “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

<img src="https://hvcsnd.com/wp-content/plugins/title-icons/icons/rss.png" class="lazy-load titleicon"/> Đề xuất uống rượu, bia vượt ngưỡng mới bị phạt
Nhiều ý kiến cho rằng việc quy định cứ có cồn là phạt là quá khắt khe.

Lý do được đưa ra là, quy định như vậy quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội của nhiều địa phương. Các ý kiến đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp đối với từng loại phương tiện; đồng thời, bảo đảm tính thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự.

Bên cạnh đó có những ý kiến nhất trí với quy định cấm tuyệt đối như dự thảo vì cho rằng nội dung này đã được quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và thực tiễn thực hiện đã chứng minh tính hiệu quả.

Theo đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để tiếp thu cho phù hợp; tiếp tục rà soát, sắp xếp các quy định cấm, liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ để bảo đảm tính thống nhất, logic, tránh trùng lặp với những quy định khác trong dự thảo Luật hoặc trùng lặp với quy định của luật chuyên ngành.

Quy định ngưỡng nồng độ cồn

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Phạm Như Hiệp (Đoàn đại biểu tỉnh Thừa Thiên Huế) băn khoăn về điều cấm này và cho rằng nếu quy định như vậy, tất cả phương tiện xe thô sơ, xích lô, xe kéo cũng có thể vi phạm.

Nhấn mạnh việc soạn luật cần khả thi, đại biểu Phạm Như Hiệp cho rằng, nếu uống chút rượu rồi đi xe đạp mà cũng bị phạt, việc triển khai luật sẽ khá phức tạp.

Việc uống rượu rồi tham gia giao thông ngay bị cấm, theo đại biểu Phạm Như Hiệp, là nội dung đã rõ. Nhưng thực tế, việc người dân uống rượu từ buổi tối hôm trước mà sáng hôm sau đi làm, trong máu vẫn còn nồng độ cồn, nếu phạt cái này rất băn khoăn. Theo đại biểu Phạm Như Hiệp, nên có hình thức quy định để có ngưỡng nồng độ cồn ở mức nào thì bị phạt.

Cũng quan tâm nội dung này, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương) cho rằng, cần tham khảo quy định các nước. Đại biểu Nguyễn Quang Huân dẫn chứng ở Phần Lan, lái xe được khuyến cáo nếu uống một chai bia phải nghỉ trong một tiếng, hai chai phải nghỉ ba tiếng, trước khi tham gia giao thông. Lượng chất kích thích này, theo đại biểu, chưa đủ để tác động đến thần kinh và họ vẫn đủ điều kiện điều khiển phương tiện.

 

“Nhưng nếu quy định cấm, tối hôm trước liên hoan, sáng hôm sau đo nồng độ cồn vẫn còn mà bị phạt, việc này không thực tế. Vì lúc đó, cơ thể vẫn tỉnh táo, đi làm bình thường” – đại biểu Nguyễn Quang Huân cho nêu ví dụ.

Ngược lại, đại biểu Vũ Xuân Hùng (Đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa) lại bày tỏ sự đồng tình với quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Đại biểu Vũ Xuân Hùng cho biết, qua khảo sát của 177 nước trên thế giới về quy định phòng chống tác hại rượu bia có 25 nước quy định bằng nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở bằng 0.

“Như vậy, cứ uống rượu bia vào, có nồng độ cồn trong hơi thở là vi phạm. Các nước còn lại có những quy định khác nhau về những hành vi bị cấm với tỷ lệ nồng độ cồn trong máu và hơi thở khác nhau” – đại biểu Vũ Xuân Hùng thông tin.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Dương chia sẻ: “Mỗi người có mức độ ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh khác nhau sau khi uống rượu. Không ít người sử dụng rất ít bia, rượu hoặc sử dụng nước hoa quả lên men cũng dẫn đến tình trạng thiếu tỉnh táo. Khi sử dụng rượu, bia người dân cũng không thể biết được. Như vậy, rất khó để quy định ngưỡng nồng độ cồn”.

Theo vị chuyên gia này, việc quy định nồng độ cồn bằng 0 là phù hợp, thể hiện sự chặt chẽ, kịp thời và hiệu quả đã được chứng minh bằng việc số vụ tai nạn giao thông giảm mạnh trong thời gian qua.

Nhiều ý kiến của người dân khi được hỏi về sự hợp lý của quy định xử phạt nghiêm lái xe khi có nồng độ cồn đều cho rằng, thực thi quy định đã làm thay đổi tích cực ý thức tham gia giao thông của người dân.

Anh Nguyễn Thế Bằng, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: “Mọi người hình thành thói quen từ chỗ sợ bị phạt, sau đó thành tự giác không dám uống rượu, bia khi lưu hành phương tiện giao thông. Người dân chúng tôi cũng không biết uống bao nhiêu là đủ và vượt ngưỡng”.

Anh Bằng cho rằng việc quy định cấm tuyệt đối việc trong hơi thở có nồng độ cồn khi tham gia giao thông, thực tế đã và đang đem lại hiệu quả rất tích cực. Việc cấm tuyệt đối thể hiện sự chặt chẽ, kịp thời và hiệu quả đã được chứng minh trong thời gian qua.

Vi phạm nồng độ cồn là nguyên nhân chính gây nên tại nạn giao thông hiện nay. Theo nghiên cứu nồng độ cồn trong máu = 0,01g/dl, tương đương với việc mới chỉ uống một ngụm rượu hoặc 1/4 lon bia thì đã bắt đầu có các rối loạn như giảm các chức năng của não bộ trung tâm, tăng hưng phấn, thiếu kiềm chế, rối loạn điều chỉnh phối hợp động tác, động tác không nhất quán, từ đó ảnh hưởng đến kiểm soát tốc độ, duy trì hướng, phản xạ phanh trong khi điều khiển phương tiện giao thông. – Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Văn Dương.

 

Bài viết liên quan
TƯ VẤN
MIỄN PHÍ
HOTLINE
0373 191 090
TƯ VẤN
MIỄN PHÍ
HOTLINE
0373 191 090